Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ mới cho vận hành hồ thủy điện, chủ động ứng phó thiên tai, bão lũ

01/11/2024

👁 80

Chia sẻ

Hệ thống hỗ trợ HNT được liên danh Kyuden Innovatech Việt Nam – WeatherPlus phát triển đã chứng minh được hiệu quả kinh tế và giúp ngành thủy điện vận hành hồ chứa, giảm thiểu thiệt hại rủi ro bão lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du.

Sáng 29/10, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam phối hợp với Cục Đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội thảo “Thực tiễn và thách thức trong vận hành liên hồ chứa trên sông Hồng qua cơn bão số 3”.

Toàn cảnh Hội thảo

Tăng cường năng lực cảnh báo và ứng phó thiên tai, bão lũ

Biến đổi khí hậu đã bật báo động đỏ đến mọi quốc gia, mọi khía cạnh của kinh tế, bao gồm thủy điện. Tại Việt Nam, theo tính toán, khí hậu cực đoan đã gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản, với tổng thiệt hại ước tính 10 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2020. Gần đây nhất, siêu bão Yagi (hay còn gọi là cơn bão số 3) là cơn bão lịch sử có sức càn quét kinh hoàng khi đổ bộ vào Việt Nam đã khiến vùng Đồng bằng sông Hồng tổn thất trên 40.000 tỷ đồng.

Hội thảo được tổ chức nhằm tập hợp những ý kiến chia sẻ kinh nghiệm của các đơn vị đã đối phó với vấn đề này và ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá sự kiện từ góc độ phân tích về các quy định, giải pháp kỹ thuật…, từ đó có những kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền nhằm thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/9/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm làm tốt công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai.

TS. Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Bộ NN&PTNT cho biết: “Cơn bão số 3 đã đặt ra rất nhiều vấn đề thực tiễn. Mặc dù đã có công tác chuẩn bị, ứng phó chu đáo, nhưng siêu bão này vẫn để lại những mất mát và hậu quả rất nặng nề. Hoàn lưu bão số 3, Yagi đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều địa phương miền Bắc. Sau cơn bão số 3 (Yagi), Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết số 143/NQ-CP, trong đó có nội dung rà soát tổng thể, điều chỉnh các quy trình liên hồ chứa các hồ nước trên cơ sở cập nhật, tính toán, xem xét đầy đủ, toàn diện các tình huống bất thường, khẩn cấp, tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, bão lũ để kịp thời triển khai các giải pháp phòng, chống, ứng phó phù hợp, xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành…”.

Không chỉ Việt Nam, Nhật Bản cũng là quốc gia châu Á thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, đối mặt mưa lũ, động đất, sóng thần và hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Chính vì vậy, kinh nghiệm và công nghệ phòng chống rủi ro thiên tai của Nhật luôn được đánh giá cao.

Ông Kenichi Sagara, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kyuden Innovatech Việt Nam chia sẻ: “Điện lực Kyushu của Nhật Bản là một tập đoàn làm việc trong rất nhiều lĩnh vực về năng lượng. Do đặc thù địa lý nên đây là nơi xảy ra nhiều thiên tai như bão và mưa lớn. Vì vậy, để nâng cao tính an toàn và hiệu quả kinh tế, chúng tôi đã phát triển việc quản lý dựa trên hệ thống thay vì quản lý thủ công từ khoảng 30 năm trước, tăng từ 3% đến 20% điện lượng, tăng tính an toàn, đặc biệt có thể quản trị rất tốt việc điều hành khoảng 140 nhà máy thủy điện”.

Hiệu quả của Hệ thống hỗ trợ ra quyết định vận hành HNT

Tại Hội thảo, TS. Hà Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Kyuden Innovatech Việt Nam (KIV), đại diện liên danh KIV – WeatherPlus đã trình bày hiệu quả của giải pháp “Hệ thống hỗ trợ ra quyết định vận hành HNT vào điều tiết lũ trong cơn bão số 3 (Yagi)” thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia cũng như đại diện các cơ quan chức năng.

Trong bối cảnh cơn bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào nước ta, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội, con người và tài sản, hệ thống HNT với công nghệ Nhật Bản đã hỗ trợ vận hành hiệu quả an toàn ở 3 nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Kỳ Cùng, một trong số những hệ thống sông chịu tác động lớn từ mưa lũ do hoàn lưu bão Yagi gây ra”, TS. Hà Ngọc Tuấn cho biết.

Hệ thống hỗ trợ ra quyết định vận hành HNT có khả năng dự báo mưa và lưu lượng về hồ với độ chính xác khả dụng từ 70% – 80% hỗ trợ vận hành an toàn trong trận bão Yagi cho các hồ chứa Khánh Khê, Bản Nhùng và Thác Xăng trên hệ thống sông Kỳ Cùng. Cả 3 hồ chứa thủy điện này đã thực hiện công tác chuẩn bị phòng lũ tốt trước cơn bão nhờ có thông tin dự báo và vận hành tuyệt đối an toàn, đúng quy trình trong cơn lũ lịch sử với đỉnh lưu lượng lớn nhất chưa từng xảy ra.

Thuỷ điện Thác Xăng, Lạng Sơn ứng dụng hiệu quả Giải pháp “Hệ thống hỗ trợ ra vận hành HNT vào điều tiết lũ trong cơn bão số 3 (Yagi)

Thuỷ điện Thác Xăng, Lạng Sơn ứng dụng hiệu quả Giải pháp “Hệ thống hỗ trợ ra vận hành HNT vào điều tiết lũ trong cơn bão số 3 (Yagi)

Bên cạnh đó, dựa vào thông tin dự báo sớm, các nhà máy thủy điện đều vận hành phát điện hạ mực nước triệt để xuống thấp để tăng thu nhập và mở ra dung tích trống nhằm điều tiết lũ an toàn. Công tác chuẩn bị trước bão cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình từ lương thực, nhiên liệu đến nguồn lực, không gây ra lũ nhân tạo gây nguy hiểm cho hạ du.

Trong năm qua, Liên danh đã phát triển hệ thống nền tảng trong hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ đập – HNT hỗ trợ điều tiết hồ chứa hiệu quả. Qua thực tế cơn bão số 3, ứng dụng này chứng minh được hiệu quả kinh tế khi giúp thu nhập từ bán điện của các thủy điện tăng 3-15% và vận hành hồ chứa, giúp giảm thiểu thiệt hại rủi ro bão, lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du.

Nhà máy Thuỷ điện Bản Nhùng, Lạng Sơn ứng dụng hiệu quả công nghệ hỗ trợ ra quyết định vận hành HNT Nhật Bản, đảm bảo an toàn trong bão Yagi

Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh: “Đây là một hướng đi rất quan trọng và bắt buộc phải đi, áp dụng công nghệ mới của Nhật Bản, chi phí không lớn nhưng đưa ra các thông số chính xác. Chúng ta phải nâng cao năng lực dự báo chính xác từ thông tin khí tượng thủy văn để cung cấp các thông tin của các hồ đập, từ đó hỗ trợ các thủy điện ra quyết định vận hành hiệu quả, an toàn.

Để phân tích và đánh giá hậu quả và kiến nghị giải pháp giảm thiểu hậu quả của lũ quét, sạt lở đất, an toàn đập và an toàn cho cả vùng đồng bằng sông Hồng khi phải chống chịu với các sự kiện thiên tai tương tự như cơn bão số 3 vừa qua, chúng ta cần nhiều hơn nữa sự tham gia của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và huy động các nguồn lực tư nhân”.