Bản tin thủy văn thủy điện tháng 6/2022: Dòng chảy đến hồ Hòa Bình duy trì ở mức cao, thượng lưu các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên có thể xuất hiện lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất
05/06/2022
Chia sẻ
Trong bản tin thủy văn thủy điện tháng 6/2022, tổng lượng mưa tháng 6/2022 tại khu vực Bắc Bộ cao hơn 10-25%, khu vực Bắc Trung Bộ cao hơn 5-15%; đặc biệt, khu vực Tây Bắc và vùng núi Việt Bắc có nơi cao hơn khoảng 30-40% so với TBNN cùng thời kỳ. Dòng chảy đến hồ Hòa Bình duy trì ở mức cao, vùng thượng lưu các sông ở Trung Bộ và Tây Nguyên có thể xuất hiện lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất.
Để hỗ trợ Quý khách hàng duy trì vận hành thủy điện an toàn, hiệu quả trong tháng 6/2022, SEHO xin gửi tới Quý khách bản tin thủy văn thủy điện tháng 6: Dự báo lượng mưa và mực nước các sông lớn trên toàn quốc tháng 6/2022.
Dự báo thủy văn thủy điện tháng 6/2022 ở Bắc Bộ
Từ nay đến hết tháng 6, tổng lượng dòng chảy trên sông Đà đến các hồ chứa lớn xấp xỉ trung bình nhiều năm (TBNN). Dòng chảy đến các hồ Thác Bà, Tuyên Quang có khả năng lớn hơn so với TBNN khoảng 10-20%, trên sông Thao tại Yên Bái và trên sông Hồng tại Hà Nội có khả năng ở mức xấp xỉ TBNN, riêng trên sông Lô tại Tuyên Quang có khả năng thiếu hụt khoảng 20-30% so với TBNN.
Trong các tháng mùa lũ chính vụ, lượng dòng chảy trên các lưu vực sông Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 5-15% so với TBNN, thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Thao, hạ lưu sông Lô, riêng thượng lưu sông Gâm ở mức xấp xỉ TBNN.
Tháng 6/2022 tổng lượng mưa ở Bắc Bộ phổ biến xấp xỉ so với TBNN. Từ tháng 7-9/2022, tổng lượng mưa tại Bắc Bộ cao hơn 15-30% so với TBNN, riêng tháng 8/2022 cao hơn từ 5-15% so với TBNN. Tháng 10/2022, tổng lượng mưa tại khu vực Tây Bắc thấp hơn 5-15% so với TBNN, tại khu vực Đông Bắc Bộ cao hơn 5-15%, riêng Đồng bằng Bắc Bộ có khả năng cao hơn từ 10-25% so với TBNN. Tháng 11/2022, tổng lượng mưa thấp hơn từ 10-25% so với TBNN cùng thời kỳ. Do vậy trong 2 tháng này, lượng dòng chảy trên các lưu vực sông Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 15-20% so với TBNN.
Ảnh minh họa
Khu vực Tây Bắc: Dòng chảy đến hồ Hòa Bình duy trì ở mức cao
Dòng chảy đến hồ Hòa Bình tiếp tục biến đổi theo điều tiết của thủy điện Sơn La và có khả năng duy trì ở mức cao trong nửa đầu tháng 6 do thủy điện Sơn La duy trì phát điện tối đa, sau đó biến đổi chậm.
Khu vực Việt Bắc: Lượng mưa tại vùng núi Việt Bắc có nơi cao hơn khoảng 30-40% so với TBNN
Từ ngày 20-25/5 trên sông Thao đã xuất hiện một đợt lũ với biên độ nước lên từ 2-4,3m, từ ngày 22-25/5 trên sông Lô cũng xuất hiện một đợt lũ với biên độ nước lên từ 5-7,3m. Trong tháng 6 này, lượng mưa tại vùng núi Việt Bắc có nơi cao hơn khoảng 30-40% so với TBNN cùng thời kỳ. Do vậy, mực nước trên sông Thao có khả năng xuất hiện 1-2 đợt dao động với biên độ nước lên từ 2-4,5m. Bên cạnh đó, mực nước hạ lưu sông Lô tiếp tục dao động theo điều tiết của thủy điện tuyến trên và có khả năng xuất hiện 1-2 đợt dao động với biên độ nước lên từ 2,5- 5,0m.
Khu vực Đông Bắc: Thượng lưu các sông có thể xuất hiện 2-3 đợt lũ
Trong tháng 5, trên hệ thống sông Thái Bình đã xảy ra 3 đợt lũ: Đợt 1 (từ ngày 10-11/5): lũ trên sông Thương, Lục Nam và Kì Cùng, trong đó sông Kì Cùng lên BĐ2. Đợt 2 (từ ngày 22-26/5): lũ xuất hiện trên sông Cầu, đỉnh lũ tại Đáp Cầu trên BĐ2. Đợt 3 (từ ngày 30-31/5): lũ xuất hiện trên sông Cầu, đỉnh lũ thượng lưu vượt BĐ2, hạ lưu ở mức BĐ1.
Dự báo tháng 6, tổng lượng mưa tại phía Đông Bắc Bộ phổ biến cao hơn TBNN từ 15-25%. Ở thượng lưu các sông khu vực Đông Bắc có khả năng xuất hiện từ 2-3 đợt lũ với biên độ nước lên từ 2-5m khu vực thượng lưu và 2-3m khu vực hạ lưu. Đặc biệt, mực nước đỉnh lũ khu vực thượng lưu có khả năng đạt BĐ2.
Ảnh minh họa
Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ: Hạ lưu hệ thống sông Hồng, sông Hoàng Long xuất hiện 1-2 đợt lũ
Trong tháng 6, mực nước hạ lưu hệ thống sông Hồng và sông Hoàng Long có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ với biên độ lên từ 2-3m. Khu vực hạ lưu sông Thái Bình có khả năng đạt mức BĐ1.
Dự báo thủy văn thủy điện tháng 6/2022 ở Trung Bộ
Dự báo trong tháng 6, tổng lượng mưa tại các tỉnh từ Quảng Bình-Khánh Hòa phổ biến cao hơn từ 10-25% so với TBNN, các khu vực khác có lượng mưa xấp xỉ với TBNN. Từ tháng 7-8/2022, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với TBNN, riêng khu vực Nghệ An-Quảng Bình thấp hơn từ 10-25% so với TBNN cùng thời kỳ. Tháng 9/2022 tổng lượng mưa tại Trung Bộ phổ biến xấp xỉ so với TBNN, riêng các tỉnh Bắc Trung Bộ cao hơn từ 10-20% so với TBNN. Tháng 10/2022, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 15-40% so với TBNN. Tháng 11/2022, lượng mưa tại Bắc Trung Bộ phổ biến thấp hơn 15-30%, khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, TLM phổ biến cao hơn từ 15-35% so với TBNN cùng thời kỳ.
Từ tháng 6 đến tháng 11/2022, trên các sông ở Trung Bộ sẽ xuất hiện các đợt lũ. Đỉnh lũ tại hạ lưu các sông chính ở Bắc Trung Bộ ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3. Lưu ý, trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất. Lưu lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 15-40%, có sông thấp hơn trên 50%; riêng một số sông từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN cùng kỳ từ 10-50%.
Khu vực Bắc Trung Bộ: Trên các sông ở Thanh Hóa và trung, thượng nguồn các sông ở Nghệ An khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ
Tổng lượng mưa tại Bắc Trung Bộ trong tháng 6 phổ biến cao hơn TBNN từ 5-15%. Dự báo trên các sông ở Thanh Hóa và trung, thượng nguồn các sông ở Nghệ An khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ nhỏ; các sông khác có dao động, trung lưu dao động theo điều tiết hồ chứa, hạ lưu biến đổi theo triều. Lưu lượng dòng chảy trên các sông ít biến đổi so với tháng trước.
Ảnh minh họa
Khu vực Trung Trung Bộ: Lượng mưa phổ biến thấp hơn 10-20% so với TBNN
Trong tháng 5, mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã xuất hiện 3 đợt dao động. Cụ thể từ ngày 01-03/5, từ ngày 15-17/5 và từ ngày 20-23/5, thời gian còn lại mực nước biến đổi chậm.
Dự báo tháng 6, lượng mưa tại khu vực này phổ biến thấp hơn từ 10-20% so với TBNN cùng thời kỳ. Trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có khả năng xuất hiện 1-2 đợt dao động.
Khu vực Nam Trung Bộ: Mực nước trên các sông từ Phú Yên-Khánh Hòa dao động, các sông ở Bình Thuận xuất hiện 1-2 đợt lũ
Trong tháng 5/2022, tổng lượng dòng chảy trên các sông tại Nam Trung Bộ phổ biến ở mức cao hơn từ 47-120% so với TBNN cùng kỳ; riêng sông Ba tại Củng Sơn ở mức thấp hơn 3% so với TBNN và sông La Ngà tại Tà Pao thấp hơn 66% so với TBNN.
Trong tháng 6, dự báo tổng lượng mưa tại khu vực này phổ biến thấp hơn từ 10-20% so với TBNN cùng thời kỳ. Mực nước trên các sông từ Phú Yên-Khánh Hòa có dao động, các sông ở Bình Thuận có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ; các sông khác biến đổi chậm, hạ lưu sông Ba dao động theo điều tiết hồ chứa và thủy triều.
Dự báo thủy văn thủy điện tháng 6/2022 ở Tây Nguyên và Nam Bộ
Từ tháng 6 đến tháng 11/2022, trên các sông ở khu vực Tây Nguyên xuất hiện các đợt lũ. Đỉnh lũ tại hạ lưu các sông chính ở Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2. Lưu ý trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất. Lưu lượng dòng chảy trên các sông ở khu vực Bắc Tây Nguyên ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 15-40%, có sông thấp hơn trên 50%. Riêng một số sông ở khu vực nam Tây Nguyên ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN cùng kỳ từ 10-50%.
Ảnh minh họa
Khu vực Tây Nguyên: Mực nước tại các sông suối dao động theo điều tiết của hồ chứa, có thể xuất hiện 1-3 đợt lũ
Trong tháng 5, trên sông Cam Ly đã xuất hiện 2 đợt lũ. Cụ thể đợt 1 từ ngày 03-05/5, đỉnh lũ tại trạm Thanh Bình dưới mức BĐ2 0,13m; đợt 2 từ ngày 18-22/5, mực nước đỉnh lũ tại Thanh Bình ở trên mức BĐ3 0,74m. Từ ngày 21-22/5 trên sông Đắkbla xuất hiện lũ nhỏ, đỉnh lũ còn ở dưới mức BĐ1. Mực nước các sông khác phổ biến dao động theo điều tiết của hồ chứa thủy điện. Lưu lượng dòng chảy trên sông Đăkbla tại Kon Tum thấp hơn TBNN cùng kỳ khoảng 44%, trên sông Srêpôk tại Giang Sơn cao hơn TBNN khoảng 121%.
Dự báo trong tháng 6 này, tổng lượng mưa tại Tây Nguyên phổ biến xấp xỉ so với TBNN. Các sông suối ở khu vực Tây Nguyên mực nước phổ biến dao động theo điều tiết của hồ chứa thủy điện và có khả năng xuất hiện 1-3 đợt lũ.
Khu vực Nam Bộ: Mực nước sông Cửu Long dao động theo triều với xu thế lên dần
Trong tháng 5 vừa qua, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu 1,59m (ngày 31/5), trên sông Hâụ taị Châu Đốc 1,71m (ngày 31/5).
Dự báo tháng 6, tổng lượng mưa tại Nam Bộ phổ biến thấp hơn 5-25% so với TBNN. Mực nước sông Đồng Nai có dao động. Mực nước sông Cửu Long dao động theo triều với xu thế lên dần. Mực nước cao nhất tháng 6 trên sông Tiền tại Tân Châu 1,80m, trên sông Hậu tại Châu Đốc 1,90m.
Ngoài ra, từ tháng 6 đến tháng 10/2022 là thời kỳ mùa lũ trên sông Mê Công và đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm 2022, tại đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ1 và trên BĐ1, đỉnh lũ năm khả năng xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,3-0,5m. Tháng 11/2022, mực nước trên sông Mê Công và đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo xu thế xuống dần.
(Ghi chú: TBNN được tính trong chuỗi số liệu 30 năm 1991-2020).
Xem thêm: Thêm 2 công trình thủy điện, thủy lợi lắp đặt giải pháp SEHO của WeatherPlus
Hi vọng Bản tin thủy văn thủy điện tháng 6: Dự báo lượng mưa và mực nước các sông lớn trên toàn quốc tháng 6/2022 của WeatherPlus giúp ích cho Quý khách trong việc vận hành nhà máy thủy điện an toàn, hiệu quả.
Để nhận tư vấn về tình hình lượng mưa, mực nước và giải pháp hỗ trợ vận hành thủy điện qua quan trắc khí tượng thủy văn SEHO, vui lòng liên hệ qua trang thông tin seho.vn hoặc gọi tới số hotline tư vấn giải pháp 0989068886 để nhận hỗ trợ.