Các thủy điện vi phạm về dòng chảy tối thiểu bị phạt bao nhiêu tiền?

17/06/2022

👁 343

Chia sẻ

Vi phạm quy định về dòng chảy tối thiểu và làm sai lệch số liệu quan trắc, nhiều công trình thủy điện đã bị xử phạt hàng trăm triệu đồng.

Vi phạm quy định về dòng chảy tối thiểu, 3 thủy điện bị phạt

Ngày 21/2/2022, các công ty thủy điện ở tỉnh Sơn La, Lào Cai đã bị Bộ Tài nguyên và môi trường ra quyết định xử phạt hành chính vì không duy trì dòng chảy tối thiểu và làm sai lệch số liệu quan trắc.

Không duy trì dòng chảy tối thiểu và làm sai lệch số liệu quan trắc, nhiều công trình thủy điện đã bị xử phạt hàng trăm triệu đồng (ảnh sưu tầm)

Cụ thể, xử phạt đối với các hành vi vi phạm tại công trình thủy điện Nậm Hóa 2 (xã Mường Bám, huyện Thuận Châu, Sơn La), thuộc Công ty cổ phần đầu tư thủy điện Anpha (có trụ sở tại Sơn La) là 255 triệu đồng.

Từ ngày 1/1/2019 đến ngày 9/12/2021, thủy điện Nậm Hóa 2 đã không đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu. Trong khoảng thời gian nói trên, Công ty cổ phần đầu tư thủy điện Anpha cũng đã không lưu trữ thông tin, số liệu quan trắc theo quy định.

Xử phạt Công ty cổ phần thủy điện Nậm Lừm có trụ sở tại Hà Nội 220 triệu đồng. Công ty này đã không đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định tại công trình thủy điện Suối Lừm 1 – được xây dựng tại xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần điện Viettracimex Lào Cai có trụ sở tại Hà Nội 350 triệu đồng do không đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định đối với hồ chứa và đập dâng và đã làm sai lệch số liệu quan trắc, giám sát tài nguyên nước từ tháng 10/2019 đến tháng 12/2020 tại công trình thủy điện Tà Thàng. Công trình này được xây dựng tại xã Suối Thầu và xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa; xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Trước đó, ngày 25/6/2020, UBND tỉnh Lào Cai cũng đã ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính 220 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Phát triển thủy điện có trụ sở chính tại số 17/55/358 đường Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội do vi phạm quy định về duy trì dòng chảy tối thiểu. Công ty này đã không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều 13 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020. Doanh nghiệp này cũng buộc phải thực hiện các biện pháp đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định.

Xem thêm: Thủy điện Sông Ông tạo việc làm cho hàng trăm lao động của Ninh Thuận

Xử phạt 220 triệu đồng nếu công trình không duy trì dòng chảy tối thiểu

Phạt tiền từ 100 – 120 triệu đồng nếu vi phạm quy định duy trì dòng chảy tối thiểu 

Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản cũng đưa ra mức phạt tiền từ 100 – 120 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

– Không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định đối với hồ chứa và đập dâng
– Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng kế hoạch điều tiết nước hàng năm của hồ chứa
– Không thực hiện quan trắc khí tượng, thủy văn và tính toán, dự báo lượng nước đến hồ, đập phục vụ vận hành hồ chứa, đập dâng
– Không xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt, hạn hán thiếu nước cho vùng hạ du
– Không lắp đặt hệ thống cảnh báo, thông báo việc xả lũ của công trình
– Không đảm bảo duy trì mực nước theo quy định trong mùa lũ của quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt
– Vận hành xả nước với lưu lượng không đúng quy định của quy trình trong điều kiện thời tiết bình thường.

Ngoài ra, một trong các hành vi như sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí không được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận bằng văn bản; Không thực hiện chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành công trình theo quy định cũng sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.

Với các hành vi vi phạm như không xây dựng phương án để đối phó với tình huống vỡ đập, các tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân ở hạ lưu hồ chứa, đập dâng; Không xây dựng kế hoạch điều tiết nước hằng năm của hồ chứa; Vận hành xả nước với lưu lượng không đúng quy định của quy trình trong điều kiện xuất hiện lũ sẽ bị phạt tiền từ 200 – 220 triệu đồng.

Phạt tiền từ 100 – 120 triệu đồng nếu vi phạm dòng chảy tối thiểu theo quy định (ảnh sưu tầm)

Phạt tiền từ 220 – 250 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm khác

– Không tuân thủ theo lệnh điều hành vận hành hồ chứa, đập dâng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước và các trường hợp khẩn cấp khác
– Không tuân thủ trình tự, phương thức đóng, mở cửa van các công trình xả nước theo quy định đối với hồ chứa, đập dâng
– Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng kế hoạch, phương án điều hòa, phân phối nguồn nước trên lưu vực sông của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
– Gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở hạ du hồ chứa.

Ngày 24/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Nghị định này quy định các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước bao gồm: Vi phạm các quy định về điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vi phạm các quy định về hồ chứa và vận hành hồ chứa; vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên nước; vi phạm các quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; vi phạm các quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các vi phạm khác trong quản lý tài nguyên nước.

Xem thêm: Thủy điện H’Mun – một trong 5 công trình thủy điện nằm trên sông Ayun