Những ảnh hưởng của thủy điện đến môi trường sinh thái

27/07/2022

👁 4.221

Chia sẻ

Không thể phủ nhận ngành thủy điện đã đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên thủy điện cũng kéo theo những hệ lụy đáng tiếc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn những vấn đề tồn tại tiêu cực của ngành thủy điện.

Thủy điện làm giảm diện tích rừng

Hiện nay diện tích rừng của một số tỉnh đã suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều vấn đề, một trong số đó là do “cơn sốt thủy điện”. Nhiều chuyên gia cho rằng: Một số dự án thủy điện đã có những tác động tiêu cực tới diện tích đất nông nghiệp và rừng. Những khối bê tông xây dựng thủy điện đã thay thế màu xanh của rừng. Cây cối bị phá bỏ để lấy đất. Theo các chuyên gia tính toán, bình quân diện tích mất cho 1MW thủy điện từ 10 đến 30ha.

Nhiều diện tích rừng bị phá bỏ để xây dựng thủy điện

Theo tính toán, bình quân diện tích rừng mất cho 1MW thủy điện là từ 10 đến 30ha. Chỉ riêng hai dự án Thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có hơn 2.600 ha rừng ven sông Đồng Nai bị xóa sổ. Trong khi đó, việc trồng rừng thay thế chỉ chiếm một phần nhỏ so với diện tích rừng phục vụ thủy điện, thậm chí có nhiều địa phương chưa bố trí được đất để trồng rừng thay thế. Ngoài ra lợi dụng việc san mặt bằng để thi công thủy điện, nhiều đối tượng lâm tặc đã khai thác rừng bữa bãi, vi phạm Luật Bảo vệ và phát triên rừng.

Hồ thủy điện Bản Vẽ cạn trơ đáy, hiện ra các cánh rừng chết khô khốc

Các công trình thủy điện dâng nước đã làm ngập rừng. Hậu quả là độ phì nhiêu của đất bị suy giảm khi bị ngập nước. Đồng thời nhiều sinh vật trong đất bị suy giảm. Môi trường cảnh quan cũng bị thay đổi rất nhiều kể từ khi thủy điện được xây dựng.

Thủy điện làm ảnh hưởng đến môi trường nước

Hiện nay việc xây dựng ồ ạt các thủy điện trên dòng sông đã kéo theo nhiều hệ lụy. Nhiều con sông bị “bức tử” bởi có quá nhiều thủy điện lớn, nhỏ. Một số con sông đang dồi dào nguồn nước, bỗng trở thành những dòng sông “chết”, bị cạn trơ đáy nhất là vào mùa khô. Nước ngày càng khan hiếm, tình trạng thiếu nước để sản xuất và sinh hoạt xảy ra ở các vùng hạ du. Môi trường nước bị nhiễm bẩn khiến việc xử lý nước sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà máy phải giảm công suất, tăng chi phí xử lý nước nếu bơm đúng công suất thì độ bẩn cao không kịp xử lý.

Một ví dụ có thể thấy, đó là việc có quá nhiều thủy điện được xây dựng ở Tây Nguyên. Những công trình thủy điện đã chia cắt làm vỡ vụn hệ thống sông ở Tây Nguyên. Biến những dòng sông thành hệ sinh thái hồ đập với dòng chảy lững lờ. Ngoài ra việc xây dựng thủy điện cũng khiến môi trường sinh thái dưới nước bị ảnh hưởng, nhiều loài thủy sản đã biến mất.

Thủy điện khiến cho thiên tai hoạt động mạnh hơn

Diện tích rừng giảm, “lá phổi xanh” của trái đất cũng bị ảnh hưởng. Chất lượng không khí bị giảm do không còn nhiều rừng, nhiều cây xanh lọc. Ngoài ra việc xóa sổ diện tích cũng khiến khí hậu của vùng thay đổi, nền nhiệt tăng do không còn cây xanh phủ rộng.

 Đồng thời việc những cánh rừng bị tàn phá kéo theo những thiên tai lũ lụt, sạt lở, xói mòn xảy ra nhiều hơn. Mưa lớn xảy ra ở thượng nguồn, dòng nước chảy nhanh xuống không có lớp rừng để giảm sốc. Điều này là tạo thành lũ gây thiệt hại nặng nề. Những trận lũ lụt xảy ra thường xuyên và tàn khốc hơn, nguyên nhân còn do các nhà máy thủy điện xả lũ bởi nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão. Những thiệt hại về người và tài sản do các thiên tai này gây ra là không thể kể xiết.

Thủy điện ảnh hưởng đến đời sống dân sinh

Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nhiều khi các thủy điện xây dựng. Nhiều dự án tái định cư cho người dân còn bỏ ngỏ hoặc chưa làm chưa tới. Cuộc sống của người dân nơi tái định cư bấp bênh, không có công ăn việc làm, không có đất canh tác. Một số khu tái định cư thủy điện rơi vào cảnh hoang tàn, nguyên nhân do hệ thống điện, đường, trường, trạm bị bỏ dở. Thiếu đất, thiếu nước sinh hoạt cùng nhiều vấn nạn khác khiến người dân bỏ nơi tái định cư đi nơi khác sinh sống. Hoặc nhiều hộ dân trở về vùng ven hồ thủy điện sinh sống. Điều này gây nên tình trạng mất an toàn.

Nhiều hộ dân sinh sống bằng nghề nuôi cá, trồng rừng cũng bị ảnh hưởng khi các thủy điện được xây dựng. Không việc làm, không có định hướng, hết tiền khiến người dân rơi vào cảnh khốn khó.

Những hệ lụy ngày càng gia tăng khi các thủy điện mọc lên như nấm sau mưa. Cần phải quy hoạch lại, đánh giá kỹ, khoa học trước khi cho xây dựng. Cần cắt giảm một số thủy điện để giảm hiện tượng “bức tử” càng dòng sông. Ngoài ra cần có nhiều phương hướng giải quyết để giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đã nêu trên. Bài viết đã nêu lên một số mặt trái không mong muốn của ngành thủy điện đem lại. Mong rằng các cơ quan chức năng, phối hợp cùng người dân đưa ra các hướng thỏa đáng.