Lũ quét là gì? Nguyên nhân và các phương án phòng tránh lũ quét

14/10/2022

👁 5.760

Chia sẻ

Lũ quét mang lại nhiều rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng con người. Hãy cùng SEHO tìm hiểu thêm về hiện tượng thời tiết nguy hiểm này để có cho mình những giải pháp phòng tránh hữu hiệu nhất. 

Lũ quét là gì? Nguyên nhân hình thành

Lũ quét là hiện tượng thiên nhiên nguy hiểm thường xảy ra ở vùng núi cao, có độ dốc lớn. Lũ thường đến từ những cơn mưa dông, bão nhiệt đới hay các khu vực có lượng lớn băng tuyết tan một cách đột ngột. Ngoài ra, lũ còn được hình thành từ các lần xả lũ đập hay vỡ hồ thủy điện trên núi cao. 

lu-quet-la-gi

Lũ quét có sức tàn phá rất lớn khi chứa nhiều vật thể rắn cùng khối lượng nước khổng lồ lao nhanh từ địa hình núi cao xuống địa hình thấp hơn. Đỉnh lũ thường xuất hiện chỉ từ 3-4h sau khi bắt đầu mưa. Tuy nhiên, thời gian lũ chỉ bằng ½ tớ ⅓ thời gian di chuyển của lũ thông thường. 

5 loại lũ quét điển hình hiện nay

Lũ quét sườn dốc: Lũ quét sườn dốc thường xảy ra vào đêm và sáng tại vùng có địa hình núi cao, sườn dốc, có mạng lưới sông suối tập trung. Lũ xảy ra thường do mưa lớn đột ngột, có tính nguy hiểm rất cao cho tài sản và tính mạng con người.

– Lũ quét do vỡ đập/đê/hồ chứa: Lũ quét do vỡ đập/đê/hồ chứa hay các công trình thủy điện thủy lợi giải phóng ra lượng lớn nước gây ngập úng trong khu vực. Loại lũ này diễn ra rất nhanh và có sức tàn phá lớn. 

– Lũ quét do bùn đá: Đây là loại lũ quét mang theo lượng lớn bùn đá do sạt lở núi hoặc từ lòng suối. Lũ quét bùn đá đặc biệt nguy hiểm vì dòng lũ chảy xiết và khả năng sát thương rất cao đối với nơi lũ tràn qua.

Lũ quét nghẽn dòngLũ được hình thành khi dòng sông suối đột ngột bị tắc nghẽn khiến nước sông suối dâng cao và làm ngập úng vùng lòng chảo, thung lũng. Đến khi đập chắn mất ổn định, lũ sẽ được giải phóng xuống phần hạ lưu. Lũ quét nghẽn dòng thường xuất hiện ở vùng hay có hiện tượng trượt lở ven sông.    

– Lũ quét hỗn hợp: Tại các vùng núi nước ta thường xảy ra theo dạng lũ quét hỗn hợp với đồng thời các hình thức thiên tai như sạt lở đất, lũ quét sườn dốc hay lũ bùn đá. Vậy nên mỗi khi tới mùa mưa lũ, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuyên truyền các cách phòng chống lũ quét để bà con chuẩn bị kịp thời. 

Các yếu tố nhận biết vùng hay xảy ra lũ quét

Lũ quét gắn bó mật thiết với yếu tố về cường độ mưa, điều kiện khí hậu, địa hình, điều kiện thoát nước lưu vực và các hoạt động của con người. Tuy nhiên, có 3 yếu tố được quan tâm nhiều nhất là: 

Cường độ mưa: Mưa lớn là nhân tố quyết định gây ra lũ quét. Mưa lớn trên khu vực có diện tích hẹp (vài chục tới vài trăm km2) trong 1 tới 2 giờ có thể gây xói mòn, sạt lở, ngập úng và hình thành lũ quét nhanh chóng.

– Địa hình: Nơi thường xảy ra lũ quét có địa hình dốc, bị chia cắt, khu vực thường có hệ thực vật thưa thớt hoặc môi trường thiên nhiên bị phá hủy bừa bãi. Khi dòng nước lớn đổ về, đó là điều kiện lý tưởng để các dòng suối xung quanh đổ dồn nước vào dòng chính tạo nên dòng lũ với thế năng rất lớn.

– Tác động từ con người: Khu vực thường xảy ra lũ quét là nơi có môi trường bị suy thoái do hành động phá rừng hay nạn cháy rừng làm vỡ kết cấu của đất. Đất khi mất đi lớp thảm mục bên trên sẽ không còn khả năng thấm nước, giữ nước, gây ra tình trạng xói mòn, rửa trôi, Đặc biệt, kết hợp cùng yếu tố nhiệt độ tăng cao, đất khu vực này sẽ có hiện tượng sa mạc hóa gây nên lũ quét, lũ bùn đá đặc biệt nguy hiểm. 

Sức tàn phá của lũ quét sẽ có chiều hướng suy giảm khi chảy đến khu vực có diện tích rộng. Dòng chảy sẽ bị phân tán và không còn chảy xiết tập trung gây nguy hiểm như trước.

Thời điểm xảy ra lũ quét trong năm

Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với tình hình thời tiết với nhiều biến động. Chính vì vậy, nước ta chịu nhiều ảnh hưởng từ các tác động xấu của thời tiết và các nguy cơ xảy ra lũ quét tại vùng núi cao. Đặc biệt, với đặc thù địa hình của khu vực, lũ quét không chỉ xuất hiện ở miền núi mà ngay cả vùng ven biển, nơi có độ dốc cao và có cấu tạo lớp đất bề mặt vật liệu bở rời, ít thấm hút như ven biển miền Trung.

Lu-quet

Ở vùng núi phía Bắc, lũ quét thường xảy ra trong giai đoạn đầu mùa mưa, từ tháng 6 tới tháng 10 trong năm. Ở miền Trung và Tây Nguyên, lũ quét xảy ra nhiều nhất trong tháng 10 và kéo dài đến hết tháng 12. 

Các biện pháp phòng tránh lũ quét

Đứng trước những hậu quả nghiêm trọng của lũ quét, con người cần có những công tác phòng chống lũ từ sớm để bảo vệ an toàn cho tài sản và tính mạng con người.

Lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét

Bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét là căn cứ quan trọng giúp tìm ra nguyên nhân, cơ chế hình thành lũ quét. Từ đó, cơ quan chức năng có thể chủ động đưa ra các giải pháp cụ thể giúp phòng ngừa các tình huống xấu có thể xảy ra.

Quản lý sử dụng đất theo quy hoạch

Chính quyền cần tuyệt đối không cấp phép xây dựng nhà tại nơi có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất. Đặc biệt, cần có công tác di dân đến vùng an toàn để giảm thiểu tối đa thiệt hại về con người.

Bảo vệ rừng đầu nguồn

Để phòng chống lũ quét hiệu quả, chính quyền cùng người dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cần lũ quét cao, cần thực hiện đồng thời các phương án phòng chống lũ như sau:

Trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn

Rừng đầu nguồn là lá chắn quan trọng để hạn chế và ngăn ngừa lũ quét. Thực vật sẽ hình thành lớp phủ bề mặt, giúp tăng khả năng giữ nước cho khu vực. Từ đó, các dòng chảy khó có thể tập trung hình thành lũ.

phong-chong-lu-quet

Phân dòng lũ – Xây dựng đê chắn lũ

Địa phương có thể nghiên cứu xây dựng đê chắn lũ để chủ động giữ dòng chảy của sông chảy đúng hướng mong muốn hoặc phân dòng lũ hiệu quả khi có hiện tượng bất thường xảy ra. Tuy nhiên, các công trình ngăn lũ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, tránh mọi rủi ro có thể gặp phải.  

Xây hồ chứa nước, điều tiết lũ

Ngoài đê chắn lũ, chính quyền địa phương còn có thể tính đến các phương án giúp vừa điều tiết lũ vừa quy hoạch khai thác trị thủy cho khu vực. Các hồ điều tiết lũ còn có thể phục vụ tưới tiêu, phát điện. Nếu tận dụng tốt, đây sẽ là nguồn lực tuyệt vời với chi phí rẻ, đem lại lợi nhuận và lợi ích cao. 

Mở rộng khẩu độ thoát lũ của hệ thống cầu cống thoát nước

Các công trình tiêu lũ là một trong những phương án hữu hiệu để thoát lũ. Đặc biệt với khu vực miền trung với địa hình ngắn và dốc, mở rộng khẩu độ cống thoát nước là phương án hợp lý giúp giảm tác hại của tình trạng lũ quét và sạt lở đất thường gặp.

Cải tạo đất, chống xói mòn

Thực hiện biện pháp “nông, lâm kết hợp” để chống xói mòn và cải tạo đất. Đây là biện pháp hữu hiệu giúp tăng năng suất cây trồng và phát huy hiệu quả triệt để trong quá trình sử dụng đất. 

Xây dựng các địa điểm an toàn cho những trường hợp xấu nhất

Ngoài ra, chính quyền địa phương còn có thể xây dựng các địa điểm sơ tán ở khu vực có vị trí cao, đề phòng các trường hợp cần sơ tán khẩn cấp. Đặc biệt, chính quyền còn cần thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của dân trong thời gian có lũ quét.

Trên đây là những thông tin chi tiết nhất về lũ quét, nguyên nhân hình thành lũ quét và 9 phương án phòng tránh hữu hiệu nhất. Hy vọng với sự hiểu biết của mình, bạn có thể chủ động thực hiện các giải pháp phòng tránh trước khi lũ quét xảy ra.