9 lý do khiến các nhà máy thủy điện bị phạt tiền

21/06/2022

👁 379

Chia sẻ

Các nhà máy thủy điện đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống điện quốc gia, ngoài việc sản xuất điện năng còn tham gia chống lũ, cấp nước cho hạ du, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Các vi phạm về quan trắc và vận hành hồ chứa… của thủy điện có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho môi trường, dân sinh và quốc gia. Dưới đây là 9 lý do khiến các nhà máy thủy điện bị xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền).

Vi phạm các quy định về quan trắc, giám sát tài nguyên nước trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước

Các thủy điện không báo cáo kết quả quan trắc, giám sát cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Không lưu trữ thông tin, số liệu quan trắc theo quy định; không quan trắc các thông số phải quan trắc, giám sát theo quy định.

Công trình thủy điện không lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát theo quy định; Quan trắc, giám sát không đúng tần suất theo quy định; Quan trắc, giám sát không đúng thời gian theo quy định; Quan trắc, giám sát không đúng vị trí theo quy định; Không thực hiện việc kết nối, truyền tải dữ liệu quan trắc, giám sát với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Đặc biệt, nếu thủy điện không thực hiện quan trắc, giám sát tài nguyên nước trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước theo quy định hoặc làm sai lệch số liệu quan trắc, giám sát tài nguyên nước sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000.

Đối với hành vi vi phạm quy định về quan trắc, giám sát trong quá trình xả nước thải vào nguồn nước thì áp dụng xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Các vi phạm về quan trắc và vận hành hồ chứa… của thủy điện có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho môi trường, dân sinh và quốc gia (ảnh minh họa)

Xem thêm: Các thủy điện vi phạm về dòng chảy tối thiểu bị phạt bao nhiêu tiền?

Vi phạm quy định của giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước

Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu các dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước tại khu vực thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước mà nhà máy thủy điện không cung cấp đầy đủ và trung thực.

Nếu nhà máy thủy điện không thực hiện báo cáo hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định hoặc báo cáo không trung thực, không đầy đủ, không đúng chế độ báo cáo về hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Trường hợp không thông báo lý do cho cơ quan cấp phép trong trường hợp lượng nước thực tế khai thác của chủ giấy phép nhỏ hơn 70% so với lượng nước được cấp phép trong thời gian 12 tháng liên tục.

Khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đúng mục đích, không theo chế độ, không đúng vị trí, tọa độ, không đúng nguồn nước theo quy định trong giấy phép;

Khai thác, sử dụng nước dưới đất không đúng tầng chứa nước theo quy định trong giấy phép;

Thi công các hạng mục thăm dò nước dưới đất vượt quá 10% so với khối lượng đã được phê duyệt.

Không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng ngừa, khắc phục sự cố trong quá trình thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Khai thác, sử dụng nước dưới đất với mực nước động lớn hơn mực nước đọng cho phép theo quy định.

Tiếp tục thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong thời gian giấy phép bị đình chỉ hiệu lực.

Các nhà máy thủy điện đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống điện quốc gia, ngoài việc sản xuất điện năng còn tham gia chống lũ, cấp nước cho hạ du, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội (ảnh minh họa)

Vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng

Với hồ chứa, vi phạm một trong các hành vi: Sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí không được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận bằng văn bản. Không thực hiện chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành công trình theo quy định.

Nếu thủy điện không xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa trong trường hợp chưa thực hiện việc cắm mốc giới, mức phạt tiền có thể từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Nếu công trình không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc quan trắc, giám sát dòng chảy tối thiểu theo quy định đối với hồ chứa, đập dâng; Không thực hiện hoặc thực hiện việc cắm mốc giới nhưng không đúng với phương án cắm mốc giới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp thủy điện vi phạm một trong những điều dưới đây cũng sẽ bị xử phạt, gồm:

Không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định đối với hồ chứa và đập dâng;

Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng kế hoạch điều tiết nước hàng năm của hồ chứa;

Không thực hiện quan trắc khí tượng, thủy văn và tính toán, dự báo lượng nước đến hồ, đập phục vụ vận hành hồ chứa, đập dâng;

Không xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt, hạn hán thiếu nước cho vùng hạ du;

Không lắp đặt hệ thống cảnh báo, thông báo việc xả lũ của công trình;

Không đảm bảo duy trì mực nước theo quy định trong mùa lũ của quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Vận hành xả nước với lưu lượng không đúng quy định của quy trình trong điều kiện thời tiết bình thường.

Thủy điện sẽ bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Không xây dựng phương án để đối phó với tình huống vỡ đập, các tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân ở hạ lưu hồ chứa, đập dâng; Không xây dựng kế hoạch điều tiết nước hằng năm của hồ chứa; Vận hành xả nước với lưu lượng không đúng quy định của quy trình trong điều kiện xuất hiện lũ.

Mức phạt có thể lên đến từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm: Không tuân thủ theo lệnh điều hành vận hành hồ chứa, đập dâng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước và các trường hợp khẩn cấp khác; Không tuân thủ trình tự, phương thức đóng, mở cửa van các công trình xả nước theo quy định đối với hồ chứa, đập dâng; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng kế hoạch, phương án điều hòa, phân phối nguồn nước trên lưu vực sông của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu nhà máy thủy điện là tác nhân gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở hạ du hồ chứa có thể bị tước giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước từ 01 tháng đến 03 tháng…

Vi phạm quy định về chế độ quan trắc, dự báo và cung cấp thông tin, số liệu theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa

Cụ thể, nếu nhà máy thủy điện thực hiện không đúng chế độ quan trắc, dự báo trong điều kiện thời tiết bình thường trong mùa lũ theo quy định: Thực hiện không đúng việc quan trắc, tính toán mực nước hồ, lưu lượng nước đến hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, lưu lượng qua nhà máy, lưu lượng nước lấy vào kênh theo thời gian quy định; Thực hiện bản tin dự báo không đúng các nội dung quy định.

Nếu nhà máy thủy điện thực hiện không đúng chế độ quan trắc, dự báo trong mùa cạn theo quy định: Thực hiện không đúng việc quan trắc lưu lượng nước đến hồ, lưu lượng nước qua đập tràn, qua nhà máy, lấy vào kênh, mực nước thượng và hạ lưu theo thời gian quy định; Thực hiện bản tin dự báo không đúng các nội dung quy định.

Nếu nhà máy thủy điện không thực hiện chế độ quan trắc, dự báo trong điều kiện thời tiết bình thường trong mùa lũ theo quy định, gồm: Không thực hiện việc quan trắc, tính toán mực nước hồ, lưu lượng nước đến hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, lưu lượng nước qua nhà máy, lưu lượng nước lấy vào kênh theo quy định; Không thực hiện bản tin dự báo lũ về hồ theo quy định.

Trường hợp không thực hiện chế độ quan trắc, dự báo trong mùa cạn theo quy định: Không thực hiện quan trắc lưu lượng nước đến hồ, lưu lượng nước qua đập tràn, qua nhà máy, lấy vào kênh, mực nước thượng và hạ lưu theo quy định; Không thực hiện dự báo lưu lượng nước đến hồ theo quy định; Không lập và báo cáo đến các cơ quan có thẩm quyền kế hoạch xả nước cấp cho hạ du theo quy định; Không đề xuất và báo cáo đến các cơ quan có thẩm quyền phương án điều tiết nước cho hạ du khi xảy ra sự cố, hạn hán, thiếu nước mà các hồ không thể đảm bảo việc vận hành theo quy định cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Ngoài ra, mức phạt tiền có thể từ 80.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng nếu nhà máy thủy điện có hành vi làm sai lệch thông tin, số liệu quan trắc, dự báo.

Vi phạm quy định về dòng chảy tối thiểu và làm sai lệch số liệu quan trắc, nhiều công trình thủy điện đã bị xử phạt hàng trăm triệu đồng (ảnh minh họa)

Vi phạm quy định về bảo đảm mực nước trước lũ trong điều kiện thời tiết bình thường theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa

Nhà máy thủy điện sẽ bị phạt tiền nếu có hành vi vi phạm quy định về bảo đảm mực nước trước lũ, trong điều kiện thời tiết bình thường, gồm: vận hành hồ không đúng quy định dẫn đến mực nước hồ cao hơn mực nước trước lũ; mực nước hồ bằng hoặc cao hơn mực nước dâng bình thường.

Vi phạm quy định trong quá trình vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa

Đây cũng là một trong những vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể: Vận hành xả lưu lượng nước lớn hơn lưu lượng đến hồ trong quá trình vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du: Trường hợp xả lưu lượng nước lớn hơn lưu lượng đến hồ, nhưng dưới 20% lưu lượng đến hồ; trường hợp xả lưu lượng nước lớn hơn lưu lượng đến hồ từ 20% đến dưới 40% lưu lượng đến hồ; xả lưu lượng nước lớn hơn lưu lượng đến hồ từ 40% đến dưới 60% lưu lượng đến hồ; xả lưu lượng nước lớn hơn lưu lượng đến hồ từ 60% đến dưới 80% lưu lượng đến hồ; xả lưu lượng nước lớn hơn lưu lượng đến hồ từ 80% lưu lượng đến hồ trở lên.

Các nhà máy thủy điện sẽ bị phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu vi phạm một trong những điều dưới đây: Thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định gây ra lũ, lụt ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở hạ du hồ chứa. Khi mực nước hồ đạt đến mực nước dâng bình thường theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa mà vận hành xả nước với lưu lượng nước lớn hơn lưu lượng đến hồ.

Với hành vi không bảo đảm lưu lượng xả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng thiếu nước ở hạ du, thủy điện sẽ bị phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng (ảnh minh họa)

Vi phạm quy định về vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ và đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa

Nhà máy thủy điện sẽ bị phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng nếu có một trong các hành vi vi phạm: Vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ không đúng quy định khi dự báo có bão khẩn cấp, áp thấp nhiệt đới hoặc các hình thế thời tiết khác có khả năng gây mưa, lũ; Vận hành đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ không đúng quy định sau khi kết thúc quá trình giảm lũ cho hạ du.

Nhà máy thủy điện sẽ phải chịu mức phạt hành chính từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng nếu không vận hành xả lưu lượng nước bằng lưu lượng nước đến hồ để duy trì mực nước hồ hiện tại khi kết thúc quá trình vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ theo quy định mà các điều kiện vận hành giảm lũ cho hạ du chưa xuất hiện.

Vi phạm quy định về bảo đảm lưu lượng nước sau công trình trong mùa cạn hàng năm theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa

Thủy điện cũng sẽ bị phạt tiền nếu có hành vi xả nước với lưu lượng hoặc tổng lưu lượng nhỏ hơn so với lưu lượng hoặc tổng lưu lượng quy định với hồ chứa như dưới 20%; từ 20% đến dưới 50%; từ 50% trở lên; không vận hành xả với lưu lượng xả hoặc tổng lưu lượng yêu cầu. Tùy thuộc vào dung tích toàn bộ của hồ chứa và mức độ vi phạm mà mức phạt tiền tăng từ 110.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng.

Với hành vi không bảo đảm lưu lượng xả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng thiếu nước ở hạ du, thủy điện sẽ bị phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng.

Thủy điện cũng sẽ bị phạt tiền nếu có hành vi xả nước với lưu lượng hoặc tổng lưu lượng nhỏ hơn so với lưu lượng hoặc tổng lưu lượng quy định với hồ chứa (ảnh minh họa)

Vi phạm quy định không đảm bảo về thời gian xả nước hàng ngày trong mùa cạn theo quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa

Đây cũng là một trong những vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Thủy điện sẽ bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 190.000.000 đồng nếu không đảm bảo thời gian xả nước dưới 05 ngày, hoặc từ 05 ngày đến dưới 10 ngày, hoặc từ 10 ngày đến dưới 20 ngày, từ 20 ngày đến dưới 30 ngày, hoặc từ 30 ngày đến dưới 60 ngày và từ 60 ngày trở lên.

Với hành vi không đảm bảo thời gian xả nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng thiếu nước ở hạ du, nhà máy thủy điện sẽ bị phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng.

Ngày 24/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Nghị định này quy định các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước bao gồm: Vi phạm các quy định về điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vi phạm các quy định về hồ chứa và vận hành hồ chứa; vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên nước; vi phạm các quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; vi phạm các quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các vi phạm khác trong quản lý tài nguyên nước.

Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250.000.000 đồng đối với cá nhân và 500.000.000 đồng đối với tổ chức.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 24 tháng; Đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 12 tháng; Hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.

Xem thêm: Vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng phải nộp phạt bao nhiêu tiền?