Trung Quốc giám sát chặt chẽ hồ chứa Tam Hiệp trước đợt mưa lớn sắp tới
24/07/2020
Chia sẻ
Nhiều khu vực trên lãnh thổ Trung Quốc được dự báo sẽ đón thêm đợt mưa lớn trong những ngày tới, và hồ chứa đập Tam Hiệp cần phải được giám sát chặt chẽ để đề phòng những rủi ro và nguy cơ xấu có thể xảy ra.
Mưa lớn tiếp tục trút xuống
SCMP dẫn thông tin từ Cục Khí tượng Trung Quốc thông báo hôm 23/7, nhiều khu vực ở Trung Quốc như tỉnh Tứ Xuyên thuộc phía tây nam và tỉnh Cam Túc ở phía tây bắc nước này có nguy cơ lớn đối mặt với thảm họa thiên nhiên trong những ngày tới khi sắp có đợt mưa lớn đổ xuống những vùng này.
Các khu vực ở bờ biển phía đông bao gồm vịnh Bột Hải và tỉnh Sơn Đông, Giang Tô cũng có nguy cơ trải qua những trận gió bão khủng khiếp.
Theo Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, 93 con sông ở nước này vẫn đang có mực nước vượt trên mức báo động. Đặc biệt, hồ chứa đập Tam Hiệp, hồ chứa nước lớn nhất ở Trung Quốc, sẽ cần được giám sát chặt chẽ trong những ngày tới khi có lượng lớn nước lũ đổ dồn về.
Cơ quan khí tượng Trung Quốc cho biết, một đợt mưa mới tiếp tục hình thành trên lưu vực sông Dương Tử, làm tăng áp lực kiểm soát lũ trên các sông hồ lớn đang hoạt động ở mực nước cao. “Tình hình lũ lụt gần đây vẫn nghiêm trọng, do đó không thể lơ là quản lý”, Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc nhấn mạnh.
Nhiều vùng trên lãnh thổ Trung Quốc cũng đã tiến hành sơ tán khẩn cấp người dân để tránh thương vong do các hiện tượng sạt lở đất, vỡ các nhánh sông và lũ quét trên núi.
Chính phủ Trung Quốc khẳng định đang triển khai các phương án khoa học để đối phó lũ lụt, sử dụng hàng loạt hệ thống cảnh báo sớm cùng công tác giám sát các đập và hồ chứa để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Theo Tân Hoa Xã, tính đến ngày 22/7, đã có 45 triệu người bị ảnh hưởng kể từ khi mùa mưa lũ xuất hiện vào tháng Sáu. 142 người được đã chết hoặc mất tích (tuy nhiên, con số này được cho thấp hơn so với thực tế). Thiệt hại kinh tế ước tỉnh 160 tỉ nhân dân tệ (22,9 tỉ USD).
Giám sát chặt chẽ hồ chứa Tam Hiệp
Đợt mưa lớn nhất trong nhiều thập niên qua đang tạo sức ép lớn lên các công trình thủy điện tại Trung Quốc bao gồm đập Tam Hiệp trong việc điều tiết và sử dụng lượng nước khổng lồ đổ về các hồ chứa ở những công trình này.
Thông tin từ Nikkei Asian Review, tính đến chiều 21/7, mực nước ở Tam Hiệp đã cao đến 162 m trong khi con đập chỉ được thiết kế để giữ lại lượng nước cao 145 m, vượt quá mức chịu đựng là 17m.
Hiện tại, người dân khu vực quanh các con đập lớn đang nơm nớp lo sơ. Chính phủ Trung Quốc đang tích cực sơ tán người dân ở khu vực có nguy cơ cao. Ngoài ra, Trung Quốc còn chi thêm 830 triệu Nhân dân tệ (khoảng 119 triệu USD) từ ngân sách trung ương để cứu trợ khẩn cấp những vùng bị mưa lũ tàn phá. Tình hình lũ lụt đang diễn ra phức tạp do sự biến đổi khí hậu tại nước này.
Ông Wang Hao, thành viên của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và chuyên viên về thủy lợi tại Ủy ban quản lý sông Trường Giang thuộc Bộ Tài Nguyên Nước Trung Quốc cho biết Trung Quốc đã thiết lập 5 tuyến phòng thủ để ngăn chặn và kiểm soát lũ bao gồm chặn các dòng chính, kiểm soát các nhánh sông, bảo vệ đê kè, ngăn lũ ở các vùng trũng và quản lý phát triển đô thị nằm dọc các con sông.
Ông Wang nói thêm, lượng nước lũ này sẽ không thể “hạ gục” đập Tam Hiệp bởi con đập được thiết kế với 23 cửa xả đáy và 22 cửa xả bề mặt, nên có thể điều tiết nước lũ một các hiệu quả và kết cấu công trình không bị ảnh hưởng. “Trận lụt lớn nhất mà Trung Quốc từng ghi nhận trong 2.500 năm qua là vào năm 1870, khi đó tốc độ dòng nước đổ vào lên tới 105.000 m3/giây. Đập Tam Hiệp được thiết kế để chịu được nhiều hơn thế và thậm chí lên tới 124.300 m3/giây”.
Theo công ty điều hành đập Tam Hiệp là Three Gorges Corp (CTG), tính tới ngày 21/7, con đập đã ngăn 10,7 tỉ m3 nước lũ. Nguyên liệu bê tông dùng để xây đập Tam Hiệp hoàn toàn khác với những loại bê tông thông thường bởi nó có độ bền cao hơn cùng khả năng chống nứt. Ngoài ra, thời gian vận hành của con đập lên tới 100 năm.
Thực tế, nhiều công trình có tuổi thọ lớn trong tổng số gần 94.000 con đập ở Trung Quốc đang phải oằn mình hứng chịu nước lũ đổ về sau những trận mưa lớn kể từ tháng Sáu. Nhất là khi đập Shazixi ở hồ chứa nước quy mô nhỏ thuộc khu tự trị dân tộc Choang ở huyện Dương Sóc của tỉnh Quảng Tây bị vỡ vào ngày 7/6 có thể là điềm báo trước cho sự tàn phá của thiên tai ngày càng khắc nghiệt đối với hệ thống cơ sở hạ tầng chống lũ của Trung Quốc. Sự việc này cũng khiến các nhà chức trách và người dân Trung Quốc nhớ đến sự kiện “thiên nga đen” năm 1975.
Đây là vụ vỡ đập tồi tệ nhất của Trung Quốc. Con đập xây năm 1952 với sức chứa chứa 195.000 m3 nước, đủ để lấp đầy 78 bể bơi kích thước Olympic và đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của nông dân làng Shazixi. Tuy nhiên, con đập này đã vỡ vào năm 1975 khiến hàng chục nghìn người chết, theo ước tính chính thức được công bố hai thập kỷ sau đó.