Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nếu đập thủy điện lớn nhất thế giới gặp sự cố
02/07/2020
Chia sẻ
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: “Đập Tam hiệp thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), cách Vũ Hán khoảng 70km sẽ không ảnh hưởng đến Việt Nam”.
Mưa lũ diễn biến phức tạp ở Trung Quốc
Đợt mưa lớn từ đầu tháng 6 đến nay đã gây ảnh hưởng đến 26 tỉnh thành khắp trung, đông, nam Trung Quốc như Hồ Bắc, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Giang Tây, Quý Châu, An Huy… ảnh hưởng tới đời sống của 13 triệu người trên ít nhất 26 tỉnh, thành phố và khu tự trị của Trung Quốc.
Ước tính, mưa lũ và ngập lụt gây thiệt hại cho Trung Quốc 27 tỷ NDT (3,8 tỷ USD), khiến 12,16 triệu người bị ảnh hưởng, ít nhất 82 người chết và mất tích, 729.000 người phải di dời, hơn 8.000 ngôi nhà bị sập và 97.000 căn khác bị hư hại ở các mức độ khác nhau. Đặc biệt, thành phố Nghi Xương cách đập Tam Hiệp 40 km trải qua trận lụt lớn trong 2 ngày 27-28/6.
Theo cảnh báo của Đài khí tượng Trung ương Trung Quốc, trong hai ngày 1 – 2/7 các địa phương của nước này như Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây… tiếp tục hứng chịu đợt mưa lớn, đặc biệt tại Trùng Khánh, Quý Châu sẽ có mưa rất to với lượng mưa từ 100-150mm, mưa lớn sẽ kèm theo dông và hiện tượng thời tiết bất thường. Đây cũng là ngày thứ 30 liên tiếp, Đài khí tượng Trung ương Trung Quốc ra cảnh báo về mưa lớn tại các địa phương của nước này.
Đập thủy điện lớn nhất thế giới phải xả lũ
Đập Tam Hiệp có sức chứa lên tới hơn 22 tỷ m3 nước với dung tích tối đa hơn 39 tỷ m3, một trận lũ thông thường hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của đập. Trong trường hợp lũ lớn, các biện pháp giám áp lực lên đập và hồ chứa sẽ được thực hiện.
Theo Tân Hoa xã, do lượng mưa lớn lượng nước chảy vào hồ chứa Tam Hiệp tiếp tục tăng. Để giải phóng bớt nước và phòng ngừa nguy cơ lũ lụt có thể xảy ra, đập Tam Hiệp ngày 29/6 đã chính thức phải tiến hành 2 đợt xả lũ, đây là 2 đợt đầu tiên trong năm 2020. Cường độ xả lũ lần này có thể được coi là lớn nhất trong lịch sử đập Tam Hiệp, lượng nước xả ra đã làm ngập 1.081 hồ chứa nước ở tỉnh Hồ Bắc.
Trước đó, năm 2010, đập Tam Hiệp lần đầu tiên đối mặt với thách thách kiểm soát lũ lớn khi dòng chảy của trận hồng thủy khi đó lên tới 70.000 m3/s, nhiều hơn 20.000 m3 so với thạm hỏa lũ năm 1998. Kết quả, mọi thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Việt Nam không bị ảnh hưởng nếu đập Tam Hiệp gặp sự cố
Tình hình mưa lũ liên tục làm mực nước ở hồ thủy điện Tam Hiệp của Trung Quốc vượt mức báo động, khiến nhiều người lo ngại con đập lớn nhất thế giới bị vỡ ngay trong năm nay. Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp – Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chia sẻ: “Đập Tam hiệp thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), cách Vũ Hán khoảng 70km sẽ không ảnh hưởng đến Việt Nam. Nếu xảy ra mưa lũ ở Vân Nam có thể ảnh hưởng tới Việt Nam”.
Cũng theo GS-TSKH Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Phó Chủ tịch Hội đập lớn thế giới, nguyên Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam trả lời trên VTC News, thì toàn bộ sông Dương Tử nằm ở lưu vực thuộc phạm vi của Trung Quốc, do đó sự cố trên con sông này không có tác động, ảnh hưởng đến Việt Nam, khu vực Đông Nam Á.
Nguy cơ lũ gây ra bởi các thủy điện nhỏ
Thứ trưởng và các chuyên gia cũng cho rằng: Các hồ thủy điện lớn của Việt Nam có dung tích phòng lũ nên cơ bản lũ theo tần suất thiết kế thì kiểm soát được. Nhưng hồ thủy điện nhỏ không có dung tích phòng lũ nên nếu điều hành xả nước trước lũ không tốt sẽ dẫn đến nguy cơ lũ chồng lũ. Do đó, các ngành, địa phương cần hết sức chú ý đến vấn đề này. Đối với các đập thủy điện, cần phải thường xuyên quan trắc, kiểm tra theo đúng quy định để đảm bảo an toàn cho đập, tránh các nguy cơ, rủi ro xảy ra từ các sự cố đập.