Doanh thu thuần năm 2021 của thủy điện miền Nam tăng trưởng ấn tượng

21/04/2022

👁 385

Chia sẻ

Năm 2021, Công ty cổ phần Thuỷ điện Miền Nam có tổng doanh thu thuần phát điện của là 657,81 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của đơn vị này đạt 264,9 tỷ đồng – tăng 417% so với năm 2020.

Lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Thủy điện miền Nam tăng 417% so với năm 2020

Năm 2021, tổng sản lượng điện thương phẩm của Công ty cổ phần Thuỷ điện Miền Nam đạt 647.567 triệu KWh, đem về tổng doanh thu thuần phát điện là 657,81 tỷ đồng. Kết quả này ghi nhận sự tăng trưởng lớn so với năm 2020 (tăng 228,3 tỷ đồng, tương ứng tăng 53%). Lợi nhuận sau thuế cả năm 2021 đạt 264,9 tỷ, tăng 417% so với năm 2020 (chỉ đạt 63,4 tỷ đồng).

Nguyên nhân một phần của sự tăng trưởng ấn tượng này là do năm 2021 – thời tiết diễn ra thuận lợi và ít xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Xu hướng La Nina trong năm 2021 đã giúp cho tình hình thuỷ văn của các con sông tại 3 nhà máy của Thủy điện miền Nam gồm: Thuỷ điện Đa M’Bri, Thủy điện Đa Siat và Thủy điện Đa Dâng tốt hơn nhờ vào lượng mưa lớn và nguồn nước dồi dào.

Hơn nữa, việc nhà máy thuỷ điện Đa M’bri hoạt động sản xuất bình thường trở lại trong năm 2021 sau khi tạm ngưng để sửa chữa trong quý 3/2020 đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của Thủy điện miền Nam trong năm. Sản lượng điện thương phẩm nhà máy đạt 382,939 triệu KWh, doanh thu thuần phát điện ghi nhận 416,66 tỷ đồng, tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn khi đóng góp 63,33% trong cơ cấu tổng doanh thu của Công ty.

Kết quả kinh doanh ở 2 nhà máy còn lại là Thủy điện Đa siat và Thủy điện Đa Dâng 2 trong năm 2021 cũng ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ khi giá trị doanh thu thuần ghi nhận lần lượt là 83,96 tỷ đồng và 157,19 tỷ đồng tương ứng mức tăng 9,9% và 8,94% so với năm 2020.

Cụ thể, chỉ tính riêng trong quý III/2021, doanh thu thuần của Thủy điện miền Nam đạt 236 tỷ đồng, tăng 162% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các khoản chi phí, lãi sau thuế của Công ty này là132 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 2 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử niêm yết của Thủy điện Miền Nam.

Luỹ kế 9 tháng năm 2021, doanh thu thuần Công ty đạt 439 tỷ đồng tăng 66% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt gần 169 tỷ đồng trong khi lỗ 1,5 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến cuối tháng 12/2021, Thủy điện miền Nam đang có quy mô tài sản 1,833 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản chủ yếu nằm ở khoản tài sản cố định, chiếm 1,538 tỷ đồng và số nợ phải trả giảm xuống còn 496 tỷ đồng so với mức 704 tỷ đồng đầu năm.

Xem thêm: Lợi nhuận cả năm 2021 của Thủy điện miền Trung bứt phá ngoạn mục vào quý 4, đạt 223 tỷ đồng

ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của SHP sáng ngày 22/06/2017 (ảnh sưu tầm)

18 năm thủy điện miền Nam hình thành & phát triển

Công ty cổ phần Thủy điện miền Nam được thành lập ngày 8/9/2004, với vốn điều lệ 250 tỷ đồng tương đương với 2.500.000 cổ phần (mệnh giá 100.000 đồng/cổ phần). Thời điểm này, Công ty có hơn 4.000 cổ đông góp vốn, đa số là người lao động của ngành điện tại 21 tỉnh thành phía Nam.

Tại đại hội cổ đông đầu tiên, đại hội đã thông qua quyết định đầu tư 2 nhà máy Thủy điện Đa Siat công suất 13,5 MW và Thủy điện Đa Dâng 2 công suất 34 MW. Năm 2006, Đại hội cổ đông quyết định đầu tư nhà máy Thủy điện Đa M’bri công suất 75 MW.

Sau 5 năm hoạt động hiệu quả, ngày 25/11/2009 Công ty được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tăng vốn điều lệ lên hơn 937 tỷ đồng.

Để tạo tính thanh khoản và tham gia thị trường tài chính, năm 2010 cổ phiếu Công ty cổ phần Thủy điện miền Nam (SHP) đã đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM.

Sau 4 năm chuẩn bị, ngày 21/7/2014, cổ phiếu SHP đã chính thức chuyển lên niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), với tổng khối lượng niêm yết là 93.710.200 cổ phiếu. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 12.000 đồng/CP với biên độ dao động giá là ± 20%. Tổng giá trị chứng khoán niêm yết theo mệnh giá đạt 937,102 tỷ đồng.

Lĩnh vực kinh doanh hiện nay của Thủy điện miền Nam, gồm: Đầu tư xây dựng và quản lý vận hành các nhà máy thủy điện; Sản xuất kinh doanh điện năng; Sửa chữa, bảo trì, thử nghiệm các nhà máy điện, lưới điện; Quản lý dự án; Sửa chữa thiết bị điện, cơ, điện tử và quang học; Giám sát thi công xây dựng và hoàn thiện công trình giao thông, cầu đường, thủy lợi, thủy điện, điện, dân dụng-công nghiệp; Giám sát lắp đặt thiết bị công nghệ cơ, điện; Đào tạo lực lượng quản lý vận hành các nhà máy điện; Khai thác đá, cát, sỏi, đất sét.

Thủy điện miền Nam đầu tư gần 3.000 tỷ đồng cho 3 nhà máy thủy điện

Hiện nay, Công ty Cổ phần Thủy Điện Miền Nam đã xây dựng hoàn thiện và đang vận hành 3 nhà máy thủy điện, gồm Thủy điện Đa Siat, Thủy điện Đa Dâng 2 và Thủy điện Đa’Mbri. Tổng mức đầu tư cho 3 công trình này là khoảng 2.729,2 tỷ đồng.

Các nhà máy thủy điện của SHP đều đặt tại thượng nguồn sông Đồng Nai, thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Do nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết tại Lâm Đồng có sự phân biệt rõ rệt giữa 2 mùa là mùa khô và mùa mưa, trong đó mùa mưa kéo dài từ tháng 5 tới tháng 11 hàng năm và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Khu vực này có lượng mưa cao và tương đối ổn định. Cả 3 nhà máy đều nằm gần thượng nguồn các dòng sông/suối, tạo nguồn nước lớn đảm bảo cho các nhà máy hoạt động.

Thủy điện Đa Siat phát điện hòa lưới quốc gia từ tháng 1/2010

Thủy điện Đa Siat được khởi công xây dựng từ tháng 6/2005 có công suất lắp đặt 13,5MW với 2 tổ máy (2×6,75MW), sản lượng điện khoảng 60 triệu kWh/năm, đã phát điện hòa lưới quốc gia từ tháng 1/2010.

Công trình Thuỷ điện Đa Siat được xây dựng tại huyện Bảo Lâm – tỉnh Lâm Đồng, trên dòng chính suối Đa Siat, một nhánh bờ trái sông Đồng Nai, Cửa suối Đa Siat ở hạ lưu công trình Thủy điện Đồng Nai 3 & 4 và thượng lưu công trình Thủy điện Đồng Nai 5.

Công trình Thuỷ điện Đa Siat được xây dựng tại huyện Bảo Lâm – tỉnh Lâm Đồng, trên dòng chính suối Đa Siat (ảnh sưu tầm)

Thủy điện Đa Dâng 2 phát điện hòa lưới quốc gia từ tháng 9/2010

Thủy điện Đa Dâng 2 được khởi công xây dựng từ đầu năm 2008, có công suất lắp máy 34 MW với 2 tổ máy (2x17MW), đấu nối bán điện qua đường dây 110kV mạch kép dài 7,7km, sản lượng điện 152,11 triệu Kwh/năm.

Nhà máy Thủy điện Đa Dâng 2 được xây dựng tại huyện Đức Trọng và Huyện Lâm Hà – tỉnh Lâm Đồng, có công suất lắp máy là 34 MW, hàng năm cho sản lượng điện 152,11 triệu kwh/năm, đã phát điện hòa lưới quốc gia từ tháng 9/2010.

Thủy điện Đa Dâng 2 được xây dựng trên sông Đa Dâng có đập dâng đặt tại vị trí cách cửa sông khoảng 4 km theo đường sông. Kênh dẫn nước đến nhà máy thủy điện đặt ở bờ trái sông Đa Dâng tại khu vực ngã ba cửa sông Đa Dâng đổ vào sông Đồng Nai.

Lòng hồ chứa nước thủy điện Đa Dâng 2 (ảnh sưu tầm)

Thủy điện Đa’Mbri phát điện hòa lưới quốc gia từ tháng 1/2014

Trong 3 dự án thuỷ điện do Công ty CP thủy điện miền Nam đầu tư thì đây là dự án thuỷ điện có công suất lớn nhất, có hồ chứa điều tiết theo năm, đường hầm áp lực đường kính khoảng 4m, tổng chiều dài là 8,3 km.

Nhà máy Thủy điện Đa M’bri được xây dựng trên dòng chính suối Đa M’bri nằm trên địa bàn của 3 xã là xã Lộc Tân – huyện Bảo Lâm, xã Phước Lộc – huyện Đạ Huoai và xã Triệu Hải – huyện Đạ Tẻh tỉnh Lâm Đồng. Suối Đa M’Bri là một trong hai nhánh chính của sông Đa Huoai, một phụ lưu trái của Sông Đồng Nai.

Thủy điện Đa M’bri đấu nối vào lưới điện Quốc gia bằng đường dây mạch kép 110kV, công suất 75 MW với sản lượng 338,2 triệu Kwh/năm, đã phát điện hòa lưới quốc gia từ tháng 1/2014.

Thủy điện Đa M’bri – đã phát điện hòa lưới quốc gia từ tháng 1/2014 (ảnh sưu tầm)

Xem thêm: Bản tin thủy văn thủy điện tháng 4/2022: Nguồn nước trên các sông ở Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 20-30%