Vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng phải nộp phạt bao nhiêu tiền?

22/06/2022

👁 217

Chia sẻ

Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250.000.000 đồng đối với cá nhân và 500.000.000 đồng đối với tổ chức. Đối với hành vi vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng, mức phạt tiền được quy định cụ thể dưới đây.

Đối với hành vi không bàn giao mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hồ chứa theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Xem thêm: Dòng chảy tối thiểu là gì? Tại sao phải xác định dòng chảy tối thiểu?

Vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

Với hồ chứa có dung tích dưới 1.000.000 m3, một trong các hành vi vi phạm dưới đây sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, gồm: Sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí không được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận bằng văn bản, trường hợp hồ chứa thuộc hệ thống công trình thủy lợi thì áp dụng xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Không thực hiện chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành công trình theo quy định (khoản 2, điều 13 – Vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng).

(ảnh minh họa)

Vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng

Trường hợp nhà máy thủy điện vi phạm một trong các quy định tại khoản 2, điều 13 với hồ chứa có dung tích từ 1.000.000 m3 đến dưới 10.000.000 m3 hoặc không xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ hồ chứa trong trường hợp chưa thực hiện việc cắm mốc giới sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng

Nếu nhà máy thủy điện vi phạm một trong các quy định tại khoản 2, điều 13 với hồ chứa có dung tích từ 10.000.000 m3 đến dưới 50.000.000 m3 sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Mức xử phạt này cũng áp dụng trong trường hợp nhà máy thủy điện không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc quan trắc, giám sát dòng chảy tối thiểu theo quy định đối với hồ chứa, đập dâng. Hoặc không thực hiện hoặc thực hiện việc cắm mốc giới nhưng không đúng với phương án cắm mốc giới đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng

Mức xử phạt hành chính sẽ tăng từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu hồ chứa có dung tích từ 50.000.000 m3 đến dưới 1.000.000.000 m3 mà có một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 điều 13.

Vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng

Nếu nhà máy thủy điện vi phạm một trong các quy định tại khoản 2, điều 13 với hồ chứa có dung tích từ 100.000.000 m3 trở lên, mức xử phạt sẽ là từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng .

(ảnh minh họa)

Vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng

Với một trong các hành vi vi phạm dưới đây, nhà máy thủy điện sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng, gồm:

Không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định đối với hồ chứa và đập dâng;

Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng kế hoạch điều tiết nước hàng năm của hồ chứa;

Không thực hiện quan trắc khí tượng, thủy văn và tính toán, dự báo lượng nước đến hồ, đập phục vụ vận hành hồ chứa, đập dâng;

Không xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt, hạn hán thiếu nước cho vùng hạ du;

Không lắp đặt hệ thống cảnh báo, thông báo việc xả lũ của công trình;

Không đảm bảo duy trì mực nước theo quy định trong mùa lũ của quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Vận hành xả nước với lưu lượng không đúng quy định của quy trình trong điều kiện thời tiết bình thường.

Vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng

Nếu có một trong các hành vi vi phạm dưới đây, nhà máy thủy điện sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 220.000.000 đồng, gồm:

Không xây dựng phương án để đối phó với tình huống vỡ đập, các tình huống đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân ở hạ lưu hồ chứa, đập dâng;

Không xây dựng kế hoạch điều tiết nước hằng năm của hồ chứa;

Vận hành xả nước với lưu lượng không đúng quy định của quy trình trong điều kiện xuất hiện lũ.

(ảnh minh họa)

Vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng

220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng cũng là mức xử phạt hành chính cao nhất đối với vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng. Nếu thủy điện có một trong các hành vi vi phạm dưới đây:

Không tuân thủ theo lệnh điều hành vận hành hồ chứa, đập dâng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước và các trường hợp khẩn cấp khác;

Không tuân thủ trình tự, phương thức đóng, mở cửa van các công trình xả nước theo quy định đối với hồ chứa, đập dâng;

Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng kế hoạch, phương án điều hòa, phân phối nguồn nước trên lưu vực sông của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Vi phạm quy định gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở hạ du hồ chứa.

Ngoài xử phạt hành chính, các thủy điện vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng có thể phải chịu hình thức xử phạt bổ sung, gồm: Tước giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc bị đình chỉ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước từ 03 đến 06 tháng. Đồng thời, phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước, đặc biệt nếu thủy điện gây ra lũ nhân tạo đột ngột, bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở hạ du hồ chứa.

Ngày 24/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Nghị định này quy định các vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước bao gồm: Vi phạm các quy định về điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; vi phạm các quy định về hồ chứa và vận hành hồ chứa; vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên nước; vi phạm các quy định về phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; vi phạm các quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư và các vi phạm khác trong quản lý tài nguyên nước.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 24 tháng; Đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 12 tháng; Hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.

Xem thêm: Các thủy điện vi phạm về dòng chảy tối thiểu bị phạt bao nhiêu tiền?