Thời tiết cực đoan gây thiệt hại nghiêm trọng cho lưới điện miền Bắc

18/06/2020

👁 163

Chia sẻ

Từ đầu năm tới nay, lưới điện miền Bắc liên tục bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa đá, giông lốc gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Trong hai ngày 8-9/5/2020, trên địa bàn một số tỉnh thuộc trung du và miền núi phía Bắc như Thái Nguyên, Hòa Bình, Yên Bái … đã bất ngờ xảy ra mưa giông lớn kèm theo sấm sét, gió giật mạnh gây thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, các công trình công cộng. Các hiện tượng thời tiết cực đoan này còn gây đổ nhiều cây xanh, cuốn theo các vật thể bay làm đứt dây điện, ảnh hưởng tới lưới điện phân phối; sự cố gây gián đoạn cung cấp điện cho hơn 365.000 hộ sử dụng điện.

Cụ thể:

Tại Phú Thọ

Cơn mưa giông kèm gió lốc đã gây sự cố lưới điện, làm gián đoạn cung cấp điện cho hơn 61.000 hộ dân  trên hầu hết các huyện/thành phố/thị trấn Việt Trì, Thanh Sơn, Cẩm Khê, Tam Nông, Đoan Hùng, Phù Ninh…

Theo Công ty Điện lực Phú Thọ, sét đã đánh cháy 1 MBA tại huyện Thanh Sơn, gây sự cố cho 8 đường dây trung áp, làm ảnh hưởng tới 223 TBA phân phối, đồng thời làm gãy đổ 25 cột điện cao áp, 93 cột điện hạ áp, gây gián đoạn cấp điện cho hơn 61.000 hộ sử dụng điện trên địa bàn 34 xã.

Huyện Cẩm Khê là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mưa bão. Mưa bão đã gây sự cố tại 3 đường dây trung áp, 215 TBA bị ảnh hưởng, làm gián đoạn cấp điện cho hơn 30.000 hộ sử dụng điện trên địa bàn 28 xã. Sự cố đổ 20 cột điện cao thế tại xã Hùng Việt và xã Hương Lung gây mất điện diện rộng tại hai huyện Cẩm Khê và Yên Lập của tỉnh này.

Cơn mưa giông kèm gió lốc đã gây sự cố lưới điện ở Phú Thọ
 Công nhân Điện lực Cẩm Khê xử lý sự cố  đêm 8/5
Công nhân Điện lực Cẩm Khê xử lý sự cố  đêm 8/5

Ngay khi có thông tin về sự cố, trong đêm 8/5, Ban lãnh đạo PC Phú Thọ đã tới hiện trường và chỉ đạo các giải pháp khắc phục sự cố trên lưới điện 110kV, trung áp và hạ áp. PC Phú Thọ đã tăng cường 40 cán bộ công nhân viên từ các Điện lực lân cận tới hỗ trợ Điện lực Cẩm Khê khắc phục sự cố để cấp điện trở lại cho nhân dân.

Do hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ bị thiệt hại nặng trong lần thiên tai này, sáng 9/5, lãnh đạo một số Ban chuyên môn của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã cùng với lãnh đạo PC Phú Thọ đi kiểm tra, đánh giá thiệt hại và chỉ đạo phương án khắc phục sự cố tại huyện Cẩm Khê và toàn bộ hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Tại Thái Nguyên

Sự cố thiên tai cũng đã gây mất điện tại nhiều khu vực. Trong đó, sự cố tại 1 đường dây và trạm biến áp 110 kV Phú Lương và Định Hóa đã làm hơn 40 đầu đường dây trung thế cấp điện từ các trạm 110kV khu vực với 340.782 hộ dân bị mất điện.

 Trường học ở thành phố Thái Nguyên bị tốc mái.
 Trường học ở thành phố Thái Nguyên bị tốc mái.

Thống kê sơ bộ thiệt hại từ Phòng An toàn và Trung tâm Điều khiển xa của Điện lực Thái Nguyên, tính đến 12h trưa ngày 9/5, trận mưa lớn đã làm mái tôn bay vào đường dây 174 E6.2 (đường dây cấp điện cho trạm 220kV Thái Nguyên) – 171 E6.6 (đường dây cấp điện trạm 110 kV Phú Lương) gây mất điện và đứt cáp quang, gãy đổ 10 cột trung thế và 29 cột hạ thế.

Ngay trong đêm ngày 8/5, PC Thái Nguyên nhanh chóng huy động 600 người tại các đơn vị chia thành nhiều nhóm công tác thực hiện triển khai khắc phục hậu quả do thiên tai theo đúng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã lập, tập trung nhân lực, vật tư thiết bị, phương tiện nhằm khắc phục tạm thời các vị trí cột hạ thế bị đổ, nối lại dây bị đứt cấp điện tạm thời cho khách hàng.

Sau khoảng 20-30 phút đã đóng điện khoảng 70% các đầu đường dây với 145.793 khách hàng. Sau 70 phút đã gỡ được mái tôn bay đè lên đường dây 110kV vị trí 16-17 và khôi phục điện cấp trạm 110 kV Phú Lương.

Nhiều đường dây điện trung thế cũng bị sự cố do giông lốc gây ra
Nhiều đường dây điện trung thế cũng bị sự cố do giông lốc gây ra
 Hơn 600 cán bộ công nhân viên được huy động để cấp điện trở lại cho khách hàng trong thời gian nhanh nhất
Hơn 600 cán bộ công nhân viên được huy động để cấp điện trở lại cho khách hàng trong thời gian nhanh nhất

Đến cuối ngày 9/5, PC Thái Nguyên đã cấp điện trở lại cho toàn bộ khách hàng tại Phú Lương; Định Hóa; xã Ký Phú, Phúc Thuận, Cát Nê huyện Đại Từ; huyện Võ Nhai, huyện Đồng Hỷ; xã Tân Cương – Thành phố Thái Nguyên.

Tại Điện Biên

Chiều ngày 8/5, trên địa bàn tỉnh này cũng đã xuất hiện trận giông lốc kèm theo mưa lớn, mưa đá tại các khu vực TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, huyện Mường Chà làm gãy đổ cột hạ thế, một số cột điện bị nghiêng, rạn nứt có nguy cơ đổ cột, gần 1.000 hộ dân bị mất điện sau trận giông lốc.

Ngay sau trận giông lốc, các đơn vị quản lý vận hành đã nhanh chóng đến kiểm tra hiện trường và xác định các vị trí cột bị ảnh hưởng bởi giông lốc, sẵn sàng vật tư thiết bị, kịp thời dựng cột tạm, căng kéo dây, đến chiều ngày 9/5 đã khôi phục cấp điện trở lại cho toàn bộ hộ dân bị mất điện.

Tại Lạng Sơn

Công ty Điện lực Lạng Sơn cũng cho biết, đơn vị đã nỗ lực khôi phục cấp điện trở lại cho 65.201 khách hàng bị ảnh hưởng bởi mưa to và giông lốc đêm ngày 8/5.

Theo đó, mưa to, giông lốc đã làm bay mái tôn lên dao cách ly (DCL) tại trạm biến áp Nhà máy chế biến gỗ Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn; nổ 3 quả sứ cao thế MBA Nà Lù sau DCL 375 E13.1-7/07 Thiện Thuật – Nà Mèo và 3 cột điện hạ áp gãy, đổ tại huyện Bình Gia; 1 cột hạ áp gãy, đổ huyện Tràng Định.

Tại huyện Văn Lãng, Bắc Sơn, mỗi huyện gãy đổ 2 cột hạ áp. Ngay trong đêm 8 rạng sáng 9/5, Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Công ty Điện lực Lạng Sơn đã chỉ huy các đơn vị kiểm tra nắm bắt tình hình, phân đoạn đường trục để khoanh vùng, cô lập sự cố, lên phương án khắc phục nhanh, chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Chính quyền, nhân dân địa phương khẩn trương khắc phục sự cố, cấp điện trở lại cho khách hàng, đến 10h45 phút ngày 9/5, Công ty đã khắc phục sự cố xong, cấp điện trở lại cho 65.201 khách hàng.

Tại Vĩnh Phúc

Lưới điện của tỉnh này cũng bị thiệt hại do mưa và giông lớn làm cây đổ, vỡ sứ gây gián đoạn cấp điện cho một số khu vực trên địa bàn các huyện Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc; đặc biệt khu vực đường dây đi qua rừng nguyên sinh Tam Đảo.

Ngay khi sự cố xảy ra, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã nhanh chóng triển khai tìm điểm sự cố, khoanh vùng và cô lập sự cố lớn, tiến hành chuyển phương thức cấp điện để giảm tối đa thời gian và phạm vi mất điện của khách hàng.

Do công tác chuẩn bị tốt nên ngay sau khi ngớt mưa, việc thay thế vật tư thiết bị hư hỏng đã được thực hiện nhanh chóng. Mặt khác, nhờ áp dụng công nghệ tự động hóa lưới điện trung áp nên việc thao tác được thực hiện từ Trung tâm điều khiển xa qua hệ thống SCADA trung áp đối với các máy cắt Recloser kết nối về Trung tâm, nhờ đó đảm bảo an toàn tối đa cho người và tài sản lưới điện, nhanh chóng khôi phục cấp điện cho khách hàng khu vực sự cố.

Các sự cố nhỏ được khắc phục ngay sau khi ngớt mưa bão. Đối với sự cố do gãy cột 225,226 trên đường dây 474E25.4, ngày 9/5, Điện lực Tam Đảo – Công ty Điện lực Vĩnh Phúc thực hiện thay thế bằng các cột điện dựng mới, do vậy đến 22h ngày 9/5 đã khắc phục xong sự cố.

Đợt mưa giông này, ngành điện lực các tỉnh thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã huy động khoảng 1.000 người, bố trí phương tiện, thiết bị để khắc phục sự cố, cấp điện trở lại cho toàn bộ hộ dân trước 20h30 ngày 9/5.

Với phương châm 4 tại chỗ trong công tác chủ động phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Công ty Điện lực thành viên đã nỗ lực khắc phục khó khăn, sẵn sàng khắc phục sự cố để cấp điện sớm nhất, không để việc gián đoạn cung cấp điện làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh, cũng như sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.

Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường; trên cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng (nhiệt độ ngày 24/4 tại Hà Nội xuống 16,5 độ C, thấp nhất 50 năm gần đây); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại đồng bằng sông Cửu Long. Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai từ đầu năm đến nay gần 3.183 tỷ đồng.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020 xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020; lũ tại các sông khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, lũ sông Cửu Long. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay cũng đã tạo ra một lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp.