Thông tin ngành

Sẽ vận hành linh hoạt hồ chứa nước trên lưu vực sông Hồng

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về công tác điều tiết, vận hành hồ thủy điện trên lưu vực sông Hồng phục vụ chống lũ, chống hạn và tưới tiêu.

Tại cuộc họp, ông Trần Đình Nhân – Tổng giám đốc EVN cho biết, hiện nay do biến đổi khí hậu nên lòng dẫn các hồ chứa thủy điện biến đổi rất nhiều. Do đó cần có những thay đổi trong quy trình vận hành liên hồ chứa cả trong mùa cạn và mùa lũ để phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, EVN mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT để vận hành an toàn, hiệu quả các nhà máy thủy điện trên bậc thang sông Hồng nói riêng và trên toàn hệ thống nói chung.

Thủy điện Hòa Bình – một trong những công trình thủy điện hàng đầu của Việt Nam

Theo đó, năm 2019, thiên tai không gây thiệt hại lớn về tài sản, không có thiệt hại về người đối với các đơn vị trong EVN. Các hồ chứa thủy điện vận hành đúng theo các quy trình liên hồ/đơn hồ. Hệ thống lưới điện 110 – 500kV ít bị ảnh hưởng, chủ yếu ảnh hưởng trực tiếp đến lưới điện trung, hạ áp. Nhưng đến hết năm 2019, tổng lượng nước tích được ở các hồ chứa của EVN trên lưu vực sông Hồng vẫn thiếu hụt khoảng hơn 7 tỷ m3, nguyên nhân do tình hình nắng nóng, hạn hán kéo dài.

Những tháng đầu năm 2020, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường. Hạn hạn kéo dài làm cho nguồn nước tại các hồ thủy điện không được cải thiện nhiều. So với trung bình nhiều năm, mực nước trên các lưu vực sông ở phía Bắc cũng bị thiếu hụt khoảng 40%, gây nguy cơ hạn hán, thiếu nước cục bộ ở khu vực Bắc Bộ.

Trước thực trạng trên, EVN và các cơ quan chức năng liên quan, các địa phương đã phối hợp trong việc thực hiện kế hoạch điều tiết, vận hành hồ thủy điện, đảm bảo nguồn nước phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn cho hạ du; bảo đảm an ninh năng lượng và cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Nhà nước, trong đó ứng ứng dụng khoa học công nghệ trong quan trắc an toàn đập, khí tượng thủy văn, vận hành các hồ, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước cho sản xuất, góp phần phòng chống lũ, hạn hán.

Hiện nay, các đơn vị thủy điện trên lưu vực sông Hồng đã thực hiện lắp đặt bổ sung các trạm đo mưa (Thủy điện Sơn La 20 trạm, Thủy điện Hòa Bình 11 trạm); và đang triển khai xây dựng đề án “Tối ưu hóa vận hành hồ chứa bậc thang thủy điện sông Đà và sông Gâm theo thời gian thực”, trong đó dự kiến sẽ mua số liệu khí tượng thủy văn của 81 trạm đo mưa, 16 trạm thủy văn và 2 trạm rada đặt tại Mộc Châu (Sơn La) và Mường Tè (Lai Châu) để phục vụ vận hành tối ưu thời gian thực các hồ chứa trên các bậc thang này.

Trạm đo mưa lắp đặt tại UBND xã Tân Dân, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình
Dự án lắp đặt trạm đo mưa tự động cho thủy điện Hòa Bình do WeatherPlus thực hiện trong tháng 7 và tháng 8/2019 với 11 trạm trên lưu vực. Ảnh Trạm đo mưa lắp đặt tại UBND xã Tân Dân, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình

Trên cơ sở dự báo khí tượng thủy văn và mức nước tại Hà Nội, EVN cũng đã kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho phép vận hành hồ thủy điện linh hoạt trên lưu vực sông Hồng đảm bảo cắt từng cơn lũ an toàn cho công trình, an toàn cho hạ du và hiệu ích kinh tế cho phát điện và cho phép tích nước sớm để đảm bảo nguồn nước phòng chống hạn hán, bảo đảm an ninh năng lượng và phục vụ sản xuất, sinh hoạt năm 2021.

Bộ NN&PTNT bàn giao bổ sung tài liệu đối với bản đồ ngập lụt của các lưu vực sông Hồng – Thái Bình, sông Mã, sông Sê San, sông Srêpôk, sông Ba và sông Vu Gia – Thu Bồn. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tập quán canh tác của bà con để đồng bộ và rút ngắn thời gian lấy nước. Nghiên cứu thực hiện các giải pháp công trình, cải tạo đầu tư xây dựng mới các trạm bơm chủ động lấy nước không phụ thuộc vào vận hành xả nước các nhà máy thủy điện.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao EVN trong thời gian qua đã phối hợp tốt với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT trong việc chống lũ, chống hạn, góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển. EVN cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý vận hành hồ chứa thủy điện, đặc biệt sớm đưa vào thực hiện vận hành hồ chứa theo thời gian thực để các bên tính toán vận hành xả lũ hiệu quả nhất, tránh xả tràn gây lãng phí tài nguyên nước.

Bài viết liên quan
Thông tin ngành

Nhà máy thủy điện cần đảm bảo truyền số liệu cho Tổng cục KTTV

Bộ tài nguyên môi trường yêu cầu các nhà máy thủy điện cần đảm bảo…
Xem thêm
Thông tin ngành

Thủy điện Trung Thu khai thác nguồn điện sạch từ phụ lưu sông Đà

Khai thác tiềm năng thủy điện trên sông Đà luôn nằm trong chiến lược hàng…
Xem thêm
Thông tin ngành

Thủy điện Cốc San có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Tây Bắc

Được biết đến là nhà máy thủy điện đầu tiên có nguồn vốn đầu tư trực…
Xem thêm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *