Thiên tai diễn biến bất thường như hiện nay, 1.200 hồ, đập mất an toàn
18/08/2020
Chia sẻ
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban KH-CN-MT, trong tổng số gần 7.000 đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, có hơn 1.000 hồ, đập hư hỏng, xuống cấp và 200 hồ hư hỏng, xuống cấp nặng. Trong điều kiện thiên tai diễn biến bất thường như hiện nay thì nguy cơ mất an toàn là rất cao.
1.200 hồ, đập mất an toàn
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, trên phạm vi cả nước có 429 công trình thủy điện, tổng dung tích trữ nước các hồ chứa thủy điện là 56 tỉ m3/70 tỉ m3 nước (chiếm khoảng 86%). Điều đó cho thấy việc xây dựng, vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện có vai trò rất quan trọng.
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban KH-CN-MT, trong tổng số gần 7.000 đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, có hơn 1.000 hồ, đập hư hỏng, xuống cấp và 200 hồ hư hỏng, xuống cấp nặng. Trong điều kiện thiên tai diễn biến bất thường như hiện nay thì nguy cơ mất an toàn là rất cao.
Mặc dù các tỉnh đều quan tâm bố trí nguồn vốn để duy tu bảo dưỡng công trình nhưng do số lượng hồ, đập bị hư hỏng lớn nên vẫn còn nhiều hồ, đập chưa được sửa chữa, không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Như ở Thanh Hóa còn 50% số hồ xuống cấp cần phải tu sửa, trong đó có 90 hồ trong tình trạng hư hỏng nặng, 78 hồ mất an toàn; Hà Tĩnh có 90 hồ hư hỏng, xuống cấp, 57 hồ có nguy cơ mất an toàn cao; Hòa Bình có 544 hồ chứa thì 192 hồ hư hỏng, xuống cấp.
Trong một số trường hợp, chấp nhận Thuỷ điện xả lũ gây ngập lụt
Nếu các hồ chứa thủy điện này được vận hành tốt thì sẽ giúp cắt giảm lũ trong mùa mưa lũ và bảo đảm nguồn nước trong mùa hạn. Nếu vận hành không tốt sẽ nảy sinh những rủi ro rất lớn cho an toàn vùng hạ du. “Tuy nhiên, vẫn có trường hợp do mưa lớn, lũ về nhiều nên để đảm bảo an toàn hồ đập, việc xả lũ đã gây ra ngập lụt phía hạ du, điều này trong một số trường hợp chúng ta phải chấp nhận”- Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.
Nguyên nhân là do khi thiết kế dự án xây dựng hồ chứa thủy điện, phải chấp nhận các tình huống khi có mưa lớn với tần suất hàng trăm năm xảy ra một lần chẳng hạn. “Để đảm bảo an toàn công trình, chúng ta vẫn phải xả nước, do đó xảy ra ngập lụt phía hạ du”.
Tính phương án vận hành hồ thủy điện Sơn La
Ông Trần Quang Hoài – Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng, chống thiên tai, cho biết: Hiện nay đang là thời kỳ lũ chính vụ ở miền Bắc.
Theo số liệu đo đạc, hiện nay mực nước đến hồ Sơn La khoảng 5.230m3/s và trong khi lưu lượng nước xả ra để phát điện khoảng 3.286m3/giây, như vậy hồ Sơn La sẽ giữ lại khoảng 2.000m3/giây. Hồ Sơn La chỉ được tích nước đến cao trình 197,3m, hiện mực nước hồ chỉ cách cao trình xả lũ dưới 1m. Trong trường hợp hồ Sơn La xả lũ thì sẽ kéo theo mực nước hồ Hòa Bình dâng nhanh (hiện mực nước hồ Hòa Bình chỉ cách cao trình xả lũ khoảng 7m).
Ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn, đến ngày 21/8 lượng nước từ thượng nguồn đổ về hồ Sơn La có thể lên tới 8.000m3/giây. Theo kịch bản trên, mực nước hồ Sơn La sẽ nhanh chóng dâng lên ngưỡng tràn xả lũ theo quy trình vận hành.
Hồ Sơn La là công trình có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh nguồn nước, vừa phát điện, vừa phục vụ tưới tiêu vào mùa khô ở các tỉnh Trung du và đồng bằng Bắc bộ. Để có phương án tối ưu vận hành hồ Sơn La trong thời điểm này, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng thu thập dữ liệu về tình hình mưa cũng như thủy văn ở Trung Quốc trong những ngày tới, đồng thời tính toán và dự báo thời điểm lũ muộn.
Từ nay đến hết 23/8, thời tiết miền Bắc vô cùng bất lợi
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, sáng nay (18/8), áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Đông Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 4 năm 2020 và có tên quốc tế là Higos.
Hồi 07 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 630km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Dự báo: Trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20km và có khả năng mạnh thêm với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.
Khoảng sáng ngày mai (19/8), bão đi vào đất liền phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên biên giới Việt-Trung. Từ ngày 20/8, bão có khả năng ảnh hưởng đến thời tiết đất liền các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ gây ra mưa lớn, gió mạnh nên cần chú ý chặt chẽ các diện biến bão tiếp theo.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Bắc Bộ kết hợp với vùng xoáy thấp trên mực 5000m hoạt động mạnh nên ngày và đêm nay (18/8), ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông (lượng mưa phổ biến 40-80mm/24h, có nơi trên 100mm/24h; Các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, có nơi mưa to và dông (lượng mưa phổ biến 30-60mm/24h, có nơi trên 80mm/24h). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Từ ngày 20/8 đến ngày 22/8, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to đến rất to diện rộng.
Khu vực Hà Nội: Ngày và đêm nay (18/8) có lúc có mưa vừa, mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to (thời gian mưa tập trung vào khoảng chiều và tối). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Dự báo từ nay cho tới hết năm 2020, số lượng bão và ATNĐ trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 07-09 cơn, trong đó có khoảng 04-05 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam. Tiếp tục đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa tháng 10 và tháng 11; gió mạnh trên biển do tác động gió mùa Tây Nam vào thời kỳ tháng nửa cuối tháng 8 và tháng 9/2020 ở vùng biển phía Nam Biển Đông; gió Đông Bắc của không khí lạnh trên khu vực phía Bắc và Giữa Biển Đông vào các tháng chính của mùa đông năm 2020-2021.
Cần đề phòng các đợt mưa lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực Miền Trung trong các tháng 10 và tháng 11/2020, đặc biệt khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Trong những tháng mùa khô tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa.